Search

FIND logo with tagline - for printing purposes

Hội thảo Tổng kết Dự án

Hà Nội, Việt Nam - 03/08/2023.

Sàng lọc lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam

Thông cáo báo chí

Đổi mới nâng cao hiệu quả trong sàng lọc lao, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp phổ biến tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lao, làm trầm trọng hơn gánh nặng do bệnh lao vốn đã rất cao tại Việt Nam. Những yêu cầu trong phòng chống COVID-19 đã gián tiếp làm giảm hoạt động xét nghiệm phát hiện các ca nhiễm mới, giảm tiếp cận dịch vụ y tế, giảm hiệu quả điều trị cho người bệnh, và tăng nguy cơ phơi nhiễm với cán bộ y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phòng ngừa và chăm sóc lao phổi trong suốt đại dịch, và khẳng định việc khám sàng lọc hai chiều cho lao phổi và COVID-19 là một công việc cốt lõi cần được triển khai.

COVID-19 cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của xét nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh, song song với đó là những đòi hỏi cấp thiết về các công cụ chẩn đoán chất lượng, nhân lực y tế đủ năng lực để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán, và cơ sở hạ tầng như máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý dữ liệu, cũng như chính sách hỗ trợ, và sự phân bổ hợp lý nguồn lực sẵn có.

Trong bối cảnh ấy, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) và FIND đã phối hợp triển khai dự án “Sàng lọc lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở (YTCS) tại Việt Nam” từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023 nhằm: (i) Nâng cao năng lực cho tuyến YTCS trong thực hiện xét nghiệm đa tác nhân cho COVID-19, bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến; (ii) Chứng minh tính khả thi của mô hình xét nghiệm tích hợp cho COVID-19, bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu; (iii) Đánh giá tác động của mô hình xét nghiệm này tại tuyến YTCS đối với việc xét nghiệm bệnh lao.

Dự án được triển khai tại huyện Ứng Hoà và Phúc Thọ, Hà Nội, với 57 cơ sở y tế tham gia, bao phủ 55 xã với dân số khoảng 524.000 người. Những người có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được khám sàng lọc COVID-19, Cúm A, B và vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Trẻ em dưới 15 tuổi có triệu chứng hô hấp hoặc phát ban, nổi hạch bạch huyết, buồn nôn và nôn mửa được xét nghiệm Liên cầu Nhóm A, bên cạnh các xét nghiệm COVID-19, Cúm A, B và RSV. Những ca có triệu chứng lao hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao được lấy mẫu đờm tại Trạm y tế xã và gửi đến Trung tâm y tế (TTYT) huyện để xét nghiệm lao bằng phương pháp GeneXpert – phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Đây là lần đầu tiên các TTYT huyện tham gia dự án được hỗ trợ thực hiện xét nghiệm lao bằng Xpert. Những ca lao phát hiện được điều trị tại TTYT huyện, trong khi những ca lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi Hà Nội. Đặc biệt, phần mềm TBCOVID (tbcovid.vn) được phát triển để hỗ trợ việc sàng lọc, xét nghiệm, nhập dữ liệu và báo cáo tại các cơ sở y tế.

Kết quả ban đầu cho thấy những thay đổi tích cực đến từ dự án. Trong vòng 6 tháng triển khai khám sàng lọc, tổng số 22,604 người dân đã được sàng lọc lao, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Trong đó, 3,776 người được sàng lọc lao, với 78 ca lao thường được phát hiện, và 3 ca lao kháng thuốc. Con số này cao gấp hàng chục lần số ca phát hiện tại 2 huyện vào năm 2021 và 2022. Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực xét nghiệm cho YTCS, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 và bệnh lao. Đây là những bằng chứng quan trọng để hỗ trợ việc xây dựng chính sách và thực thi tại Việt Nam và trên thế giới.

Dự án một lần nữa nhấn mạnh nỗ lực của CTCLQG và FIND trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực chẩn đoán tại tuyến YTCS, từ đó tăng cường tiếp cận các chẩn đoán thiết yếu cho người dân, đặc biệt là khu vực còn nhiều khó khăn, đồng thời cải thiện chất lượng công tác quản lý và giám sát bệnh tật tại tuyến YTCS. Dự án cũng mở ra triển vọng và định hướng cho những hoạt động tiếp theo của tổ chức FIND trong quá trình đồng hành cùng CTCLQG, để thử nghiệm và áp dụng các sáng kiến và mô hình mới nhằm mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao và tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Print this page