Search

Sàng lọc lao, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến khác ở tuyến y tế cơ sở tại Việt Nam

Dự án này là gì?

Với dự án này, các Trạm y tế (TYT) xã tại Việt Nam, là những đơn vị còn yếu về năng lực và thiếu về công cụ chẩn đoán, được đào tạo để có thể độc lập phát hiện và quản lý bệnh nhân COVID-19, Cúm A, B, RSV và Liên cầu khuẩn nhóm A. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ chẩn đoán lao thông qua vận chuyển mẫu, giúp người dân tiếp cận với xét nghiệm lao dễ dàng hơn. Tại tuyến huyện, hệ thống xét nghiệm phân tử GeneXpert được hỗ trợ cho các Phòng xét nghiệm của Trung tâm y tế (TTYT) huyện, giúp quá trình xét nghiệm diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn. Mục tiêu của dự án là thử nghiệm mô hình cung cấp các dịch vụ xét nghiệm ngay tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giảm gánh nặng cho các cơ sở tuyến trên.

Dự án được triển khai tại 2 huyện ngoại thành Hà Nội là Ứng Hoà và Phúc Thọ, với sự tham gia của 57 cơ sở y tế, bao phủ 55 xã với dân số khoảng 524.000 người. Những người có triệu chứng cấp tính về đường hô hấp được khám sàng lọc COVID-19, Cúm A, B và vi rút hợp bào hô hấp (RSV). Trẻ em dưới 15 tuổi có triệu chứng hô hấp hoặc có phát ban, nổi hạch bạch huyết, hoặc buồn nôn và nôn mửa được chỉ định xét nghiệm Liên cầu Nhóm A, bên cạnh các xét nghiệm COVID-19, Cúm A, B và RSV. Những người có triệu chứng lao phổi hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao phổi được lấy mẫu đờm tại TYT xã hoặc tại nhà, và gửi đến Phòng xét nghiệm của TTYT huyện để kiểm tra lao phổi bằng phương pháp GeneXpert. Phương pháp này có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Những ca lao được phát hiện được thu nhận điều trị tại Phòng khám Lao của TTYT huyện, trong khi những ca lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi Hà Nội để điều trị. Ngoài ra, phần mềm TBCOVID (tbcovid.vn) được phát triển để hỗ trợ việc sàng lọc và xét nghiệm bệnh nhân, nhập dữ liệu và báo cáo tại các cơ sở y tế.

Tại sao chúng tôi triển khai dự án này?

Là một quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình bệnh lao tại Việt Nam, bao gồm giảm số lượt khám của những người có triệu chứng lao phổi và tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế. Điều này đã dẫn đến việc giảm tỷ lệ phát hiện lao. Đại dịch COVID-19 và các hội chứng COVID-19 kéo dài cũng kích hoạt lao phổi tiềm ẩn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phòng ngừa và chăm sóc lao phổi trong suốt đại dịch, và khẳng định việc khám sàng lọc hai chiều cho lao phổi và COVID-19 là một công việc cốt lõi cần được triển khai.

Mục tiêu của dự án là gì?

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

  • Nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (YTCS) trong thực hiện xét nghiệm đa tác nhân COVID-19, lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến khác.
  • Chứng minh tính khả thi của mô hình xét nghiệm tích hợp cho COVID-19, lao và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến tại tuyến YTCS.
  • Đánh giá tác động của mô hình xét nghiệm này tại tuyến YTCS đối với việc xét nghiệm lao.

Dự án bao gồm những hoạt động gì?

Cụ thể, dự án:

  • Xây dựng quy trình sàng lọc, xét nghiệm chẩn đoán, tư vấn, điều trị và quản lý bệnh nhân trong trường hợp phát hiện.
  • Tổ chức chương trình đào tạo tại chỗ cho các cơ sở y tế tham gia dự án.
  • Mua sắm, cấp phát kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư tiêu hao và máy vi tính.
  • Phát triển và triển khai phần mềm TBCOVID (tbcovid.vn) để ghi nhận thông tin về dịch tễ học và lâm sàng của những người được xét nghiệm và đảm bảo luồng dữ liệu của quy trình xét nghiệm đến quản lý bệnh nhân, hỗ trợ chuyển gửi mẫu và báo cáo kết quả, cũng như quản lý hoạt động dự án.
  • Triển khai xét nghiệm chẩn đoán tại các cơ sở y tế.
  • Hỗ trợ kỹ thuật, giám sát và đánh giá, tư liệu truyền thông (phát thanh, tờ rơi, tranh gấp, áp phích)
  • Đánh giá tính khả thi và tác động của mô hình để đề xuất nhân rộng.
  • Phát triển và thí điểm phần mềm TBXpress trong chuyển gửi mẫu bệnh phẩm lao ở tất cả các tuyến y tế trong mạng lưới chẩn đoán lao.

Kết quả dự kiến là gì?

Các kết quả dự kiến bao gồm:

  • Trang bị 2 hệ thống GeneXpert và 5.000 cartridges Xpert cho 2 TTYT huyện, tập huấn cho các cán bộ xét nghiệm của 2 TTYT huyện vận hành hệ thống này và cung cấp xét nghiệm Xpert MTB/RIF cho chẩn đoán lao.
  • Cung cấp 57 máy tính để bàn cho 57 cơ sở y tế, cùng với 2 tủ mát và 2 máy trộn vortex cho các TTYT huyện.
  • Cung cấp 20.000 xét nghiệm nhanh COVID-19, 20.000 xét nghiệm cúm A, B và RSV cho TTYT huyện TYT xã.
  • Ít nhất 15.000 xét nghiệm nhanh COVID-19, 15.000 xét nghiệm nhanh Influenza A, B và RSV và 3.000 xét nghiệm nhanh Liên cầu khuẩn nhóm A được tiến hành.
  • Ít nhất 3.000 người được xét nghiệm lao bằng hệ thống GeneXpert.
  • Phát triển, triển khai và tích hợp phần mềm TBCOVID với phần mềm VITIMES để quản lý thông tin bệnh nhân và quá trình chuyển gửi mẫu.

Thời gian triển khai

Dự án được triển khai từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023.

Đối tác và đơn vị tài trợ

Dự án được phối hợp triển khai bởi FIND Việt Nam và Chương trình Chống lao Quốc gia, với nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ.