Search

Nghiên cứu quan điểm các bên liên quan về mẫu bệnh phẩm thay thế trong xét nghiệm lao tại Việt Nam (thuộc Dự án DriveDxTB)

Nghiên cứu này là gì?

Dự án DriveDx4TB là một dự án lớn kéo dài trong nhiều năm được dẫn dắt bởi FIND, nhằm vượt qua những rào cản của các phương pháp chẩn đoán lao hiện có. Dự án này nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ chẩn đoán lao mới dựa trên bằng chứng, gắn liền với các cơ sở chăm sóc điều trị tại chỗ, bao gồm các loại mẫu thay thế như mẫu nước tiểu, mẫu phết khoang miệng hoặc lưỡi, bên cạnh mẫu đờm.

Giả định chính của nghiên cứu này là việc đưa các xét nghiệm đến gần hơn với người dân, cộng với các loại mẫu bệnh phẩm không phải đờm, sẽ cải thiện khả năng tiếp cận của nhóm dễ bị tổn thương, giảm thời gian chờ đợi và tổn thất cho người bệnh trong quá trình chăm sóc. Tuy nhiên, những bằng chứng về mức độ chấp nhận của các bên liên quan đối với các loại mẫu bệnh phẩm lao mới này vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, các đặc điểm cần thiết trong mỗi loại mẫu mới để đảm bảo tính khả thi, tích hợp và tác động của chúng đối với kết quả chẩn đoán lao trong hệ thống y tế quốc gia vẫn chưa được nghiên cứu.

Để đáp ứng những đòi hỏi này, FIND tiến hành một nghiên cứu đánh giá, sử dụng phương pháp hỗn hợp và liên tục, để tìm hiểu quan điểm và nhận định của các bên liên quan về các chẩn đoán lao sử dụng mẫu bệnh phẩm không phải đờm. Các kết quả từ nghiên cứu này sẽ cung cấp bằng chứng cho quá trình phát triển các kĩ thuật chẩn đoán lao lấy người bệnh làm trung tâm, cũng như các yếu tố liên quan để đảm bảo hiệu quả và tính thân thiện với bệnh nhân. Nghiên cứu này là một phần trong chương trình nghiên cứu đa quốc gia, bao gồm Việt Nam, Ấn Độ và Nam Phi, thuộc Dự án DriveDx4TB.

Tại sao chúng tôi triển khai nghiên cứu này?

FIND nhận thấy tầm quan trọng của việc cung cấp một cách hiệu quả những dịch vụ chẩn đoán lao cho người có triệu chứng. Phát hiện sớm các ca lao và cung cấp điều trị kịp thời có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, các xét nghiệm lao hiện có tại Việt Nam đang đối mặt với những hạn chế trong khả năng tiếp cận và độ dễ sử dụng tại các cơ sở y tế. Nhiều xét nghiệm dựa trên lấy mẫu đờm, gây ra sự trì hoãn, đặc biệt là đối với những người không thể lấy được đờm. Nghiên cứu này nhằm cải thiện các xét nghiệm lao bằng cách nắm bắt quan điểm của các bên liên quan, từ đó cải thiện tính khả dụng và mở rộng tiếp cận cho cả bệnh nhân và những người cung cấp dịch vụ y tế.

Mục tiêu của nghiên cứu là gì?

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

  • Xác định quan điểm của các bên liên quan về các đặc điểm chính của hai loại mẫu bệnh phẩm lao mới và cơ chế lấy mẫu, cũng như bối cảnh mà mỗi loại mẫu/cơ chế lấy mẫu được ưa chuộng hơn.
  • Đánh giá mức độ chấp nhận, khả năng tích hợp và triển khai của hai loại mẫu bệnh phẩm lao mới trong hệ thống chẩn đoán lao hiện có, từ các nhân viên y tế, các tổ chức xã hội dân sự và các chuyên gia y tế công cộng.

Thiết kế nghiên cứu là gì?

  • Bằng cách sử dụng phương pháp hỗn hợp, nghiên cứu này tìm hiểu quan điểm về các cấu phần khác nhau của các loại mẫu bệnh phẩm lao mới; sau đó, đối chiếu và so sánh các kết quả bằng nghiên cứu quần thể và các loại dữ liệu định lượng và định tính.

Nghiên cứu gồm 2 cấu phần – bộ câu hỏi khảo sát và phỏng vấn sâu:

  • Khảo sát: Tổng cộng 290 cuộc khảo sát được tiến hành trên tất cả bốn nhóm đối tượng nghiên cứu, bao gồm 150 cuộc với người tiếp nhận dịch vụ lao, 20 cuộc với các tổ chức xã hội dân sự, 100 cuộc với nhân viên y tế và 20 cuộc với các chuyên gia y tế công cộng.
  • Phỏng vấn sâu: Để đánh giá hiểu biết của người dùng, khoảng 10 nhân viên y tế, 5 chuyên gia y tế công cộng và 5 tổ chức xã hội dân sự được phỏng vấn sâu.

Đối tượng nghiên cứu là ai?

Nghiên cứu bao gồm bốn nhóm đối tượng – người dân tiếp nhận dịch vụ chẩn đoán lao, các tổ chức xã hội dân sự, nhân viên y tế và chuyên gia y tế công cộng. Mỗi nhóm này đều đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các mẫu bệnh phẩm lao mới.

Thời gian triển khai

Dự án diễn ra từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023.

Đối tác và Tài trợ

Nghiên cứu được phối hợp tiến hành bởi FIND Việt Nam và Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Y tế, và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia như một phần của Dự án DriveDx4TB.