Search

Xét nghiệm HPV DNA trong sàng lọc ung thư cổ tử cung ở tuyến YTCS, với mô hình tập trung hóa xét nghiệm và phân tuyến lấy mẫu thông qua tự lấy mẫu

Dự án này là gì?

Phù hợp với lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chấm dứt căn bệnh ung thư cổ tử cung, dự án của FIND nhằm cung cấp bằng chứng về hiệu quả của xét nghiệm HPV DNA trong sàng lọc ung thư cổ tử cung trong các điều kiện thực tế. Bằng cách sử dụng xét nghiệm HPV DNA, ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm. Mô hình của dự án bao gồm việc phân tuyến lấy mẫu và tập trung xét nghiệm tại phòng xét nghiệm, từ đó nâng cao hiệu quả và phạm vi triển khai. Cách tiếp cận này cho phép gia tăng khoảng cách thời gian giữa các lần tầm soát, giảm thiểu các chi phí và gánh nặng liên quan.

Tại sao chúng tôi triển khai dự án này?

Việt Nam có 39,1 triệu phụ nữ từ 15 tuổi trở lên, đây cũng là nhóm dân số có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Hàng năm, ước tính có 4.132 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung và 2.223 người mắc bệnh qua đời. Ung thư cổ tử cung xếp thứ 8 trong danh sách các bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam và xếp thứ 5 trong số phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi.

Trước tình hình ấy, dự án của FIND tập trung sử dụng phương pháp xét nghiệm dựa trên DNA cho HPV. Phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả hơn so với các phương pháp sàng lọc truyền thống trước đây. Chiến lược toàn cầu của WHO để thúc đẩy tiến trình chấm dứt ung thư cổ tử cung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bao phủ sàng lọc bằng xét nghiệm có hiệu quả cao. “Hướng dẫn của WHO về việc sàng lọc và điều trị các dạng tiền ung thư cổ tử cung để phòng ngừa ung thư cổ tử cung” được công bố vào năm 2021, đã đề xuất sử dụng xét nghiệm HPV dựa trên DNA như một lựa chọn hàng đầu trong số các phương pháp sàng lọc.

Mục tiêu của dự án là gì?

Các mục tiêu cụ thể bao g’ôm:

  • Đẩy mạnh xét nghiệm HPV DNA thông qua tự thu thập mẫu bệnh phẩm để sàng lọc hàng loạt, phát hiện sớm và nâng cao tiếp cận với điều trị ung thư cổ tử cung.
  • Chứng minh hiệu quả của mô hình cung cấp dịch vụ tích hợp, tối ưu hóa việc phân tuyến lấy mẫu và tập trung hoá xét nghiệm để triển khai nhân rộng mô hình một cách hiệu quả.
  • Tạo ra bằng chứng về sử dụng mô hình tập trung hoá xét nghiệm HPV DNA để nâng cao năng lực kỹ thuật, từ đó hỗ trợ Bộ Y tế nhân rộng xét nghiệm HPV DNA thông qua các mô hình khác nhau.
  • Hỗ trợ xây dựng năng lực chẩn đoán cho các bệnh thường gặp ở tuyến y tế cơ sở (YTCS) tại Việt Nam thông qua tăng cường tiếp cận với tầm soát ung thư cổ tử cung và hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/ thành phố (CDC) về xét nghiệm phân tử.

Dự án bao gồm những hoạt động gì?

Các hoạt động của dự án bao gồm:

  • Xây dựng quy trình sàng lọc, xét nghiệm chẩn đoán, tư vấn, điều trị và quản lý bệnh nhân trong trường hợp phát hiện.
  • Xây dựng chương trình truyền thông và cung cấp tư liệu truyền thông, bao gồm phát thanh, tờ rơi, tranh gấp, áp phích, để giáo dục cộng đồng.
  • Phát triển và triển khai phần mềm YTCS (ytcs.vn) để hỗ trợ nhân viên y tế thực hiện quy trình tổng thể của dự án cũng như hỗ trợ điều phối dự án quản lý các hoạt động dự án.
  • Tổ chức chương trình đào tạo tại chỗ cho các cơ sở y tế tham gia dự án.
  • Mua sắm, cấp phát các kit xét nghiệm, sinh phẩm và vật tư tiêu hao.
  • Hỗ trợ kỹ thuật, giám sát và đánh giá.
  • Triển khai việc lấy mẫu tại tuyến YTCS và thực hiện xét nghiệm HPV DNA tại CDC.
  • Đánh giá tính khả thi và tác động của mô hình để đề xuất nhân rộng.

Kết quả dự kiến là gì?

Các kết quả dự kiến bao gồm:

  • Xét nghiệm cho 5.000 phụ nữ không mang thai, trong độ tuổi từ 21-65 để xác định loại gen HPV.
  • Giáo dục khoảng 500.000 người dân tại địa bàn triển khai dự án và các địa bàn lân cận về phòng chống và kiểm soát các bệnh thường gặp.
  • Nâng cao năng lực chẩn đoán cho tuyến YTCS và CDC về xét nghiệm phân tử với nền tảng hiệu năng cao.
  • Đánh giá tính khả thi và mức độ chấp nhận của việc tự lấy mẫu trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
  • Đánh giá tác động và khả năng nhân rộng của mô hình phân tuyến lấy mẫu bằng dụng cụ tự lấy mẫu và tập trung hoá xét nghiệm, cũng như chuyển mẫu bệnh phẩm.
  • Cung cấp bằng chứng về áp dụng mô hình tập trung hoá xét nghiệm HPV DNA để hỗ trợ cho mục tiêu 90-70-90 của WHO trong việc nhân rộng xét nghiệm HPV DNA.
  • Phổ biến các bằng chứng đến Bộ Y tế và các bên liên quan, bao gồm các nguồn lực cần thiết để nhân rộng quy mô và hỗ trợ tiến trình chấm dứt ung thư cổ tử cung.
  • Xây dựng báo cáo đánh giá về cải thiện dịch vụ y tế, tích hợp xét nghiệm vào hệ thống YTCS, mức độ chấp nhận của nhân viên y tế và các bên liên quan, cũng như chi phí hiệu quả.

Thời gian triển khai

Dự án diễn ra từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 12 năm 2023.

Đối tác và đơn vị tài trợ

Dự án được phối hợp triển khai bởi FIND Việt Nam, Sở Y tế Hải Phòng và CDC Hải Phòng, với tài trợ từ Roche.