Search

Tối ưu hóa Mạng lưới Chẩn đoán lao quốc gia tại Việt Nam (DNO Giai đoạn 2 tại Việt Nam)

Dự án này là gì?

Dự án Tối ưu hóa Mạng lưới Chẩn đoán (DNO) lao tại Việt Nam đã triển khai giai đoạn 1 trong năm 2021, tập trung vào mạng lưới chẩn đoán lao tại 9 tỉnh thành. Dự án đã thu được những kết quả bao gồm lập bản đồ và phân tích mạng lưới chẩn đoán hiện có, đồng thời xây dựng mô hình tác động của việc tăng quy mô xét nghiệm phân tử.

Dự án DNO cho bệnh lao Giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai trên toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam, tập trung vào việc hỗ trợ Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) triển khai hiệu quả hệ thống xét nghiệm phân tử chẩn đoán lao và tối ưu hóa mạng lưới chuyển gửi mẫu phù hợp với Đề xuất Quỹ Toàn cầu cho giai đoạn 2024-2026. Mục tiêu tổng thể của dự án là hỗ trợ CTCLQG xây dựng năng lực để có thể thực hiện độc lập DNO, xác định và triển khai các mô hình tối ưu, và đưa ra kết quả đầu ra khả thi để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định và xây dựng kế hoạch.

Tại sao chúng tôi triển khai dự án này?

Kết quả phân tích DNO Giai đoạn 1 cho thấy việc sử dụng các thiết bị GeneXpert® và các công cụ xét nghiệm khác như TrueNat™ và TB-LAMP vẫn chưa được tối ưu, cản trở khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng về xét nghiệm phân tử. Ngoài ra, những thách thức liên quan đến vận chuyển mẫu và khả năng tiếp cận hạn chế đến các dịch vụ chẩn đoán, đặc biệt là xét nghiệm phân tử kháng thuốc nhanh (DST), cũng đã được xác định. Để giải quyết vấn đề này, DNO là phương pháp phân tích không gian địa lý để phân tích mạng lưới chẩn đoán hiện tại, và đề xuất loại hình, số lượng và vị trí tối ưu để đặt các thiết bị chẩn đoán; và đề xuất mạng lưới chuyển gửi mẫu; từ đó, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, đồng thời tối đa hóa hiệu suất chẩn đoán của tổng thể hệ thống xét nghiệm.

Mục tiêu của dự án là gì?

Dự án nhằm:

  • Xây dựng năng lực cho đội ngũ DNO tại Việt Nam, đảm bảo nhóm cán bộ cốt lõi có thể thực hiện DNO, bao gồm: (a) nhóm lãnh đạo đưa ra quyết định chiến lược cho DNO và (b) nhóm cán bộ phân tích DNO, sử dụng OptiDx để thực hiện phân tích DNO độc lập.
  • Hỗ trợ đội ngũ DNO Việt Nam xác định và triển khai các mô hình tối ưu phù hợp dựa trên các câu hỏi ưu tiên.
  • Hỗ trợ đội ngũ DNO Việt Nam đưa ra kết quả đầu ra khả thi để cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định và xây dựng kế hoạch của CTCLQG.

Dự án bao gồm những hoạt động gì?

Dự án bao gồm việc thu thập và tổng hợp dữ liệu trên toàn quốc để phân tích DNO, phân tích các kịch bản khác nhau để tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm phân tử kháng thuốc nhanh (DST) và xét nghiệm phân tử nhanh cho bệnh lao được WHO phê duyệt. Đồng thời, dự án cũng giới thiệu các phương pháp mới trong sàng lọc lao nhạy cảm vào sơ đồ chẩn đoán quốc gia, và cải thiện liên kết chuyển gửi mẫu thông qua hệ thống vận chuyển mẫu hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động xây dựng năng lực được tiến hành để trang bị cho đội ngũ DNO của Việt Nam về mô hình DNO và công cụ OptiDx.

Kết quả dự kiến là gì?

  • Tăng cường khả năng tiếp cận với các xét nghiệm phân tử nhanh cho bệnh lao được WHO phê duyệt: DNO đề xuất các vị trí phù hợp để đặt thiết bị, và xác định số lượng cũng như loại thiết bị cần thiết trong mạng lưới, nhằm tăng cường khả năng và độ bao phủ của xét nghiệm lao. Điều này đảm bảo tăng cường khả năng tiếp cận với các công cụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả để phát hiện bệnh lao.
  • Cải thiện kết nối giữa các địa điểm gửi mẫu và phòng xét nghiệm: DNO hoạt động với mục tiêu thiết lập các kết nối tốt hơn giữa các địa điểm gửi mẫu và phòng xét nghiệm. Bằng cách tối ưu hóa lộ trình, phương tiện vận chuyển và chi phí, dự án nâng cao hiệu quả trong quá trình vận chuyển, giúp quy trình làm việc được tối giản, giảm thiểu thời gian chờ đợi và nâng cao sự phối hợp giữa các đơn vị, từ đó, tăng cường hiệu quả tổng thể của cả mạng lưới chẩn đoán.
  • Nâng cao năng lực về OptiDx và phân tích dữ liệu: Đội ngũ DNO của Việt Nam đạt được năng lực trong việc sử dụng OptiDx, công cụ số hóa được sử dụng để phân tích trong dự án. Thông qua quá trình đào tạo và thực hành, các thành viên trong đội được phát triển các kỹ năng và chuyên môn cần thiết để có thể độc lập phân tích, giải thích kết quả và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu được tạo ra bởi OptiDx. Điều này cho phép CTCLQG tối đa hóa lợi ích từ dự án DNO cũng như tối ưu hóa mạng lưới chẩn đoán.

Thời gian triển khai

Dự án diễn ra từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023.

Đối tác và đơn vị tài trợ

Dự án được phối hợp triển khai bởi FIND Việt Nam và Chương trình Chống Lao Quốc gia, với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ.